Chi nhánh Công ty Cổ Phần Bệnh Viện Đa Khoa Hoàn Mỹ Sài Gòn – Phòng Khám Đa Khoa Hoàn Mỹ Sài Gòn

Địa chỉ: 4A Hoàng Việt, Phường 4, Quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh, Việt Nam.

ĐT: (028) 3811 9783 - E: contactus.tanbinh@hoanmy.com

LPR (Laryngopharyngeal Reflux) - Bệnh trào ngược họng thanh quản | Phòng Khám Đa Khoa Hoàn Mỹ Sài Gòn

LPR (Laryngopharyngeal Reflux) - Bệnh trào ngược họng thanh quản

14-10-2020

Bạn đang cảm thấy trong họng của mình có gì đó rất vướng, khó chịu, đàm phải khạc hoài nhưng không thấy đau và ăn uống vẫn bình thường. Hoặc khi đang nói chuyện nhưng thường xuyên phải "tằng hắng" làm cho câu chuyện bị gián đoạn. Có thể bạn đã bị "TRÀO NGƯỢC HỌNG THANH QUẢN" (gọi tắt là LPR - Laryngopharyngeal Reflux) -  một bệnh lí thường gặp trong Tai Mũi Họng, Bệnh đôi khi không gây ra bất kỳ triệu chứng nào nên còn gọi là trào ngược im lặng.

Để giúp quý vị hiểu rõ hơn về bệnh lý này, cùng Phòng khám Hoàn Mỹ Sài Gòn đi vào "tìm hiểu" nhé !

1. Trào ngược họng thanh quản (LPR) là gì?

     Trào ngược họng thanh quản (LPR: Laryngopharyngeal Reflux) còn được gọi là trào ngược thầm lặng. "LPR" có thể không gây ra bất kỳ triệu chứng nào.

     "LPR" còn có các tên goi khác là trào ngược ngoài thực quản, viêm thanh quản trào ngược, viêm thanh quản sau. Bệnh xảy ra khi acid dạ dày và pepsin bị đẩy ngược lên trên thực quản vào họng, thanh quản và một số cơ quan hô hấp trên.

     Nguyên nhân gây "LPR": hoạt động chức năng của cơ vòng thực quản trên bị rối loạn, suy yếu, đóng mở bất thường.

     Cơ vòng thực quản trên có tác dụng như lớp van một chiều, mở ra khi thức ăn đến và đóng lại có tác dụng ngăn acid và dịch vị trong dạ dày trào ngược vào thanh quản, họng. 

     "LPR" khác với "GERD" (bệnh trào ngược dạ dày thực quản): "GERD" do tổn thương cơ vòng thực quản dưới và thường có triệu chứng ợ nóng, ợ chua, khó tiêu…

2. Các yếu tố nguy cơ của trào ngược thầm lặng bao gồm:

  • Lối sống ăn uống về khuya, ăn xong đi nằm ngay, ăn quá nhiều hoặc sử dụng thuốc lá, rượu bia...
  • Các nguyên nhân thực thể như cơ vòng thực quản bị biến dạng, tổn thương, dạ dày làm rỗng chậm hoặc thừa cân.
  • Bệnh nhân có thai.

3. Các triệu chứng thường gặp:

     Đúng như tên gọi của nó, trào ngược thầm lặng rất ít triệu chứng. Hầu hết những người bị trào ngược thầm lặng không bị ợ chua, khó tiêu hoặc cảm giác nóng rát. Sau đây là một số triệu chứng gợi ý:

  • Ngứa họng, vướng họng (Globus):

     Phần lớn bệnh nhân bị "LPR" đều có cảm giác dai dẳng như: vướng đàm, có u bướu, sợi tóc, mắc dị vật... khi nhiều khi ít, không kèm đau họng do acid liên tục tác động vào vùng họng và thanh quản gây viêm, người bệnh thường có cảm giác ngứa họng muốn tằng hắng, vướng víu, khó chịu ở cổ họng như mắc phải xương. Cảm giác trên thường thấy khi nuốt nước bọt.

  • Tằng hắng: 

     Tằng hắng kéo dài có thể làm tổn thương dây thanh âm của bạn theo thời gian, gây rối loạn giọng nói.

  • Khàn giọng vào mỗi buổi sáng, giọng yếu:

     Khàn giọng là tình trạng âm sắc của giọng nói bị thay đổi. Người bị "LPR" thường hụt hơi, giọng nói yếu ớt do acid hoặc pepsin trào ngược khiến cho thanh quản bị phù nề, sung huyết.

  • Ho mạn tính:

     Ho do "LPR" thường là ho khan kéo dài vài tuần, có nhiều trường hợp lâu hơn dễ  khiến nhiều người nhầm lẫn với triệu chứng ho do bệnh lý đường hô hấp.

  • Trào ngược thường xảy ra về bên phải vào ban ngày

     Khi đang nằm hay cúi người xuống sau khi ăn. Khác với "GERD" thường diễn ra vào ban đêm.

4. LPR có nguy hiểm không ?

  • Đối với người lớn, "LPR" gây ra: hôi miệng, kích ứng lâu dài, tạo mô sẹo, loét niêm mạc và tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư. Ngoài ra "LPR" có thể gây ra viêm mũi xoang, viêm tai giữa, viêm họng, viêm amygdales (a-mi-dan)...
  • Ở trẻ em và trẻ sơ sinh, "LPR" có thể gây ra: nôn trớ, khó thở, ho thường xuyên, thở khò khè, khàn tiếng. Trong một số trường hợp hiếm hoi, "LPR" cũng có thể gây ra các vấn đề về chậm tăng trưởng. 

5. LPR có chữa được không ?

     "LPR" hoàn toàn có thể điều trị dứt điểm nếu như phát hiện sớm và chữa trị kịp thời. Các biện pháp chữa bệnh bao gồm: dùng thuốc, phẫu thuật, thay đổi lối sống. Triệu chứng bệnh sẽ dần được cải thiện sau 2-3 tháng chữa trị.

6. Điều trị "LPR" ?

  • Bệnh nhân sẽ được nội soi họng thanh quản, nội soi thực quản dạ dày, đo độ PH 24h trong họng của bệnh nhân, chụp XQ thưc quản, tùy theo mức độ nặng nhẹ của bệnh để lựa chọn phương pháp điều trị.
  • Điều trị "LPR" bằng thuốc: Thuốc kháng acid, thuốc hỗ trợ nhu động Prokinetics, thuốc chống trào ngược, trung hòa acid... Liệu trình điều trị bệnh bằng thuốc Tây kéo dài từ 3-6 tháng. Người bệnh cần tuân thủ theo chỉ định và dùng thuốc đúng giờ, không bỏ giữa chừng để tránh bệnh chuyển nặng hơn.

     *Phẫu thuật để điều trị "LPR":

     Đa số trường hợp "LPR" được điều trị nội khoa. Tuy nhiên, nếu điều trị nội khoa thất bại, sự can thiệp của ngoài khoa là cần thiết. Hiện nay, phương pháp phẫu thuật phổ biến là phẫu thuật thắt đáy dạ dày theo phương pháp Nissen.

7. Chế độ ăn uống và sinh hoạt điều trị LPR ?

     Thay đổi lối sống là phương pháp điều trị hiệu quả với các trường hợp nhẹ. Đó là:

  • Không dùng chất kích thích như thuốc lá, rượu, bia, nước ngọt có gas, bạc hà... vì chúng sẽ kích thích dạ dày tiết nhiều acid, tăng tần suất trào ngược, khiến cho bệnh ngày càng nặng hơn.
  • Hạn chế một số đồ ăn cay nóng, nhiều gia vị, chứa nhiều dầu mỡ, đồ ăn lên men, đóng hộp, trái cây hướng acid(cam quýt)… để tránh dạ dày phải cật lực để tiêu hóa hết thức ăn.
  • Ngừng ăn uống ít nhất 2 giờ trước khi đi ngủ. Không nằm ngay sau khi ăn mà thay vào đó, người bệnh nên vận động nhẹ nhàng để tránh các chất trong dạ dày nén ép lên cơ thắt thực quản. Kê cao đầu giường, giữ đầu - vai cao hơn dạ dày sẽ giúp dạ dày bớt áp lực.
  • LPR thường gây tổn thương bên phải. Vì thế, người bệnh nên nằm nghiêng về bên trái
  • Duy trì cân nặng ở mức hợp lý vì tình trạng thừa cân sẽ gia tăng áp lực trong dạ dày lên cơ vòng thực quản.

Nếu có những thắc mắc hoặc cần tư vấn thêm bạn có thể vui lòng liên hệ cho chúng tôi theo số tổng đài các chuyên viên của chúng tôi luôn sẵn lòng giúp đỡ.

Tổng đài tư vấn & đặt lịch:  028 3811 9783 


*Có thể bạn quan tâm:

 Viêm Amidan - Những Chia Sẻ Hữu Ích Của Bác Sĩ Chuyên Khoa

▶ Quy trình chẩn đoán "Viêm Họng - Thanh Quản" do trào ngược ngoài thực quản (LPR)

▶ Hiểu đúng về "RÁY TAI" và Chăm sóc tai đúng cách



Fanpage: Phòng khám Hoàn Mỹ Sài Gòn