Chi nhánh Công ty Cổ Phần Bệnh Viện Đa Khoa Hoàn Mỹ Sài Gòn – Phòng Khám Đa Khoa Hoàn Mỹ Sài Gòn

Địa chỉ: 4A Hoàng Việt, Phường 4, Quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh, Việt Nam.

ĐT: (028) 3811 9783 - E: contactus.tanbinh@hoanmy.com

Dấu hiệu cảnh báo Xuất Huyết Dạ Dày | Phòng Khám Đa Khoa Hoàn Mỹ Sài Gòn

Dấu hiệu cảnh báo Xuất Huyết Dạ Dày

12-04-2022

Xuất huyết dạ dày là một tình trạng nghiêm trọng cần được chẩn đoán xác định và điều trị càng sớm càng tốt để tránh mất máu quá nhiều.

1. Nguyên nhân dẫn đến xuất huyết dạ dày.

Do viêm loét dạ dày - tá tràng

Đây là nguyên nhân chính và phổ biến nhất gây xuất huyết dạ dày. Nó chiếm hơn 40% các trường hợp mắc bệnh.

Vết loét phát triển trên niêm mạc dạ dày và tá tràng không được điều trị lâu ngày sẽ dẫn đến chảy máu do các ổ loét, viêm gây sung huyết, ăn sâu thủng vào các mạch máu.

Lạm dụng rượu bia gây xuất huyết dạ dày

Chất cồn trong rượu bia không chỉ ảnh hưởng tới chức năng của gan, thận mà còn trực tiếp làm bào mòn niêm mạc dạ dày dẫn đến viêm và làm tăng nguy cơ phát triển vết loét dạ dày. 

Uống nhiều rượu bia khiến lớp niêm mạc dạ dày tăng thẩm thấu và gây nên tình trạng xuất huyết dạ dày nếu không được điều trị sớm.

Do lạm dụng thuốc kháng sinh

Lạm dụng thuốc kháng sinh gây tác dụng phụ trực tiếp đối với dạ dày. Các thuốc chống viêm giảm đau, chống đông máu... khi sử dụng kéo dài hoặc ở một số người mẫn cảm, thuốc sẽ làm giảm sinh lớp chất nhày bảo vệ niêm mạc dạ dày và là tác nhân gây xuất huyết dạ dày

Căng thẳng kéo dài cũng gây xuất huyết dạ dày

Những người thường xuyên lo lắng và căng thẳng quá mức có tỷ lệ viêm loét dạ dày cao hơn những người bình thường. Bởi căng thẳng làm suy yếu hệ miễn dịch và làm tăng thêm sự rối loạn của quá trình tiêu hóa. Do đó, cơ thể dễ bị các vi khuẩn có hại xâm nhập, đặc biệt là vi khuẩn HP.

2. Dấu hiệu cảnh báo Xuất huyết dạ dày

2.1. Đau vùng thượng vị dữ dội, ợ nóng, khó tiêu 

Dấu hiệu đầu tiên để nhận biết chứng xuất huyết dạ dày đó là đau vùng thượng vị dữ dội, đau tăng nặng và tần suất gia tăng hơn so với thông thường. 

Những cơn đau xuất phát từ vùng thượng vị rồi nhanh chóng lan ra khắp bụng, làm cho bệnh nhân bị cứng bụng và toát mồ hôi. 

Ngoài triệu chứng đau dữ dội, bạn còn cảm thấy vùng thượng vị có biểu hiện nóng rát khó chịu, mệt mỏi, cồn cào ruột, nhất là sau khi sử dụng thuốc chống viêm không steroid, thuốc corticoid.

Chứng ợ nóng, khó tiêu là tình trạng axit dạ dày trào ngược lên thực quản, gây cảm giác khó chịu và nóng rát ở vùng xương ức, ngực. 

Ợ nóng thường xảy ra sau khi ăn, bụng luôn cảm thấy đầy hơi, chướng bụng khó tiêu. Đây cũng là biểu hiện xuất huyết dạ dày thường gặp.

Đau bụng dữ dội có thể là do xuất huyết tiêu hóa (Ảnh minh họa)

2.2. Nôn ra máu - triệu chứng nguy hiểm của xuất huyết dạ dày

Với người bệnh xuất huyết dạ dày, tình trạng buồn nôn xảy ra rất thường xuyên, bên cạnh đó người bệnh còn có cảm giác bồn chồn, khó chịu ở cổ họng. 

Nôn ra máu hay chất có màu nâu như cà phê được xem là một trong những triệu chứng điển hình của xuất huyết dạ dày. Người bệnh có thể nôn ra máu tươi hoặc máu đen và đôi khi lẫn cả thức ăn. 

Ngoài ra, có thể là máu đen lẫn máu cục vì chảy máu ra còn đọng lại ở dạ dày một thời gian rồi mới nôn ra. Chất nôn có màu nâu, hồng do khi chảy máu ít đọng lại lâu trong dạ dày, bị hòa loãng và thay đổi bởi dịch dạ dày và thức ăn. 

Khi thấy dấu hiệu nguy hiểm này của xuất huyết dạ dày, bạn cần tới gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.

2.3. Đi ngoài ra máu

Nguyên nhân là do khi xuất huyết dạ dày, máu hòa lẫn cùng thức ăn chảy vào đường ruột và đi cùng phân ra ngoài. 

Quan sát sẽ thấy phân đen như bã cà phê. Tuy nhiên vì máu được phân hóa, chúng sẽ gây tình trạng phân có mùi hôi tanh vô cùng khó chịu. 

Nếu lượng máu chảy ra quá nhiều có thể gây nên tình trạng đại tiện thấy máu đỏ tươi. Nếu phân bị lỏng có máu tươi lẫn máu đông đen thì có thể đoán dạ dày bị xuất huyết nặng.

2.4. Xuất huyết dạ dày gây thiếu máu, mệt mỏi, khó thở

Nếu không được điều trị kịp thời, xuất huyết dạ dày có thể gây tình trạng mệt mỏi, khó chịu, da xanh xao. Khi dạ dày có vấn đề, người bệnh sẽ cảm thấy chán ăn, ăn không ngon miệng, từ đó dẫn đến thiếu chất dinh dưỡng, cơ thể suy nhược, thiếu máu, da xanh xao. 

Người bệnh rất dễ bị hoa mắt, chóng mặt, tụt huyết áp, thở dốc và có thể bị ngất. Điều này hết sức nguy hiểm và chúng ta cần phải có biện pháp kiểm soát ngay lập tức.

3. Cách xử trí hiệu quả khi bị xuất huyết dạ dày

Hầu hết những trường hợp xuất huyết dạ dày đều xảy ra rất đột ngột (cấp tính) và cần được điều trị ngay. 

Tuy nhiên cũng có rất nhiều trường hợp bị xuất huyết dạ dày kinh niên với mức độ rất ít và kéo dài. Khi đó những biểu hiện thường không trở nên rõ ràng, người bệnh cần hết sức cẩn thận.

Nếu gặp bất cứ triệu chứng nào trong những triệu chứng nêu trên, người bệnh cần đến gặp bác sĩ ngay để được chẩn đoán bệnh chính xác và đưa ra phương pháp chữa trị kịp thời, hiệu quả.

Với những trường hợp xuất huyết nhẹ, bệnh nhân thường được chỉ định điều trị bằng thuốc và sử dụng tại nhà.

Với những trường hợp nặng, người bệnh cần được cầm máu ngay để không làm mất lượng máu lớn. 

Trong tình huống máu chảy quá nhiều, bệnh nhân hoàn toàn có thể bị sốc với những dấu hiệu như mạch đập nhanh, tụt huyết áp bất thường, người không tỉnh táo, đổ nhiều mồ hôi.

Ngay khi có các biểu hiện trên, người bệnh cần được đưa ngay đến cơ sở y tế để cấp cứu kịp thời, không được tự ý điều trị hoặc chậm trễ cấp cứu, sẽ rất nguy hiểm.

Bệnh nhân cần tuyệt đối tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ, nên uống thuốc đủ liệu trình để bệnh được chữa trị đúng cách, đúng liều và tái khám đúng hẹn để kiểm tra tình trạng bệnh.

Theo Sức Khỏe Đời Sống

 

Nếu có những thắc mắc hoặc cần tư vấn thêm bạn có thể vui lòng liên hệ cho chúng tôi theo số tổng đài các chuyên viên của chúng tôi luôn sẵn lòng giúp đỡ.

Tổng đài tư vấn & đặt lịch:  028 3811 9783
 

** Có thể bạn cũng quan tâm: 

▶ Bệnh Trào Ngược Dạ Dày Thực Quản 

▶ Loét "Dạ dày - Tá Tràng" và những điều bạn cần biết !!!